<bgsound src="/Nhac Truyen Kinh Di.mp3"/> Le Dinh



























































Trường Lane Tech năm ấy học sinh Việt Nam tốt nghiệp khá đông. Bọn con trai chúng tôi kiếm bạn gái để đi “prom” đang gặp khó khăn. Đã chín giờ đêm tôi lao ra xe chạy đi vũ trường Chiều Tím với hy vọng “mượn” được em nào cho đỡ quê với bạn bè. Tôi lấy Foster đi Est về khu Uptown, vừa đến đường St Louis gặp đèn đỏ tôi ngừng, nhìn vào trạm đợi xe buýt chợt thấy một em Á Đông đang đứng chờ xe một mình. Như thỏi nam châm cực mạnh hút vội mảnh kim khí, tôi cho xe tấp vào, quay kiếng xe xuống hỏi bằng Anh ngữ vì sợ lầm không phải người Việt:

“Cô là người Việt?”

“Dạ, em là người Việt.”

Cô gái trả lời bằng giọng Huế rất nhẹ và ngọt. Gặp người Việt đã mừng, còn là người cùng quê nữa thì nỗi mừng càng tăng hơn, tôi trở nên ấp úng:

“Cô... Cô đi đâu giờ nầy? Tôi đưa cô đi hỉ, tôi cũng đi về hướng nớ.”

Vừa nói tôi đưa tay chỉ về hướng hồ Michigan. Cô gái dạ rất khẻ rồi tự nhiên mở cửa chui vào xe tôi không chút ái ngại. Lúng túng với người đẹp ngồi bên cạnh, tôi không biết phải mở đầu từ chuyện gì. Nhưng may mắn nàng hỏi tôi câu xác định:

“Anh đi dạ vũ à?”

“Dạ, tôi đi xuống Vũ Trường Chiều Tím nghe nhạc, hôm nay có ca sĩ Ngọc Anh về.”

Trong bóng tối, tôi chỉ có thể thấy mặt nàng khi nào có ánh đèn xe chạy ngược chiều mà thôi. Tuy vậy, tôi vẫn nhận ra nàng hơi lớn tuổi hơn tôi một tí, nhưng chẳng sao, tôi có đi hỏi vợ đâu mà so sánh. Chưa biết nói gì thêm, ngày ra trường sắp tới nơi mà chưa tìm được cô nào kẹt quá, tôi định lung khởi cho câu chuyện đi prom vào đầu tháng sáu nầy. Bỗng cô gái lên tiếng:

“Em cũng đi dạ vũ ở Chiều Tím, nhưng đợi mãi không thấy xe buýt tới, có duyên lại gặp anh.”

Hai chữ “có duyên” làm tất cả rụt rè trong tôi như tan biến, tôi mạnh dạn nói:

“Chính tôi mới là người có duyên mới được đón và đưa chị về.”

Cô gái liếc nhìn tôi gật đầu rất nhẹ như có vẻ đồng ý tiếng chị hơn là cô làm tôi thoáng ngượng. Rồi từ đó trên đường đi, chúng tôi trò chuyện thật vui, nói và trả lời rất Huế.




Khi ca sĩ Ngọc Anh mở đầu bằng một vũ điệu ba-sô, cô gái lôi tôi ra sàn nhảy, nàng không cần tôi đồng ý. Chúng tôi quyện lấy nhau như một cặp vũ công đang biểu diễn. Không hiểu sao hôm đó bước của tôi điêu luyện lạ lùng. Bình thường tôi chỉ nhảy những bản dễ, hôm nay điệu nào tôi cũng khá cả. Nỗi sung sướng đang tràn khắp cơ thể tôi vì những cọ xát thường xuyên nơi các vùng núi đồi trên cơ thể của nàng. Có điều lạ là tay và hơi thở nàng rất lạnh, dù chúng tôi nhảy với nhau thật lâu, thật nhiều bản mà bàn tay nàng cứ lạnh. Những bản nhạc chậm, nàng đã không ngại nép sát vào tôi. Trong ánh đèn mờ ảo của vũ trường, tôi vẫn nhận thấy ở khóe mắt nàng toát ra nét u buồn như người mang nhiều tâm sự.




Cái vui bao giờ cũng trôi qua rất nhanh, chỉ để lại không gian bao nhiêu luyến tiếc. Tôi thì muốn kéo dài thời gian gần gũi, nên tan dạ vũ tôi đề nghị với nàng xuống phố Tàu ăn mì. Thuở ấy khu thương mại người Việt tại Chicago chưa đông đảo, nên khi tan dạ vũ muốn ăn khuya người ta thường đưa nhau đi phố Tàu. Trong thâm tâm tôi cũng muốn lợi dụng cơ hội nầy để hỏi nàng về vụ đi prom, điều mà tôi đoán chắc là nàng sẽ đồng ý là bởi vì trong những tiếng đồng hồ bên nhau nàng rất ngoan ngoãn như một người may mắn lắm mới gặp được thằng con trai dễ thương như tôi. Đậu xe xong, tôi cố làm ra người lịch sự bằng cách vòng qua bên kia mở cửa cho nàng. Hai chúng tôi vào quán, quán về khuya nên rất thưa người.

Tôi chọn một chiếc bàn có hai ghế sâu bên trong cho thêm phần ấm cúng. Trong khi chờ đợi thức ăn mang ra, tôi đã ngỏ ý cùng nàng về việc đi prom nhưng nàng từ chối viện lẽ tuần lễ đó phải đi xa cùng gia đình làm tôi chới với. Chao ôi! Xưa nay tôi cứ tưởng tướng tá cao ráo, sạch sẽ như tôi thế nào cũng dễ dàng tìm bạn gái. Có ngờ đâu tôi đã bị các em thẳng thừng từ chối dù chỉ mượn một lần mà thôi. Ở đời đôi khi rất nghịch lý; thằng Phước bạn của tôi, nó không những xấu trai mà còn ăn nói thô kệch. Ấy thế mà con gái cứ bu quanh nó như đĩa là thế nào. Hai tô mì bốc khói mang ra, tên bồi bàn lịch sự hỏi thêm chúng tôi cần gì cứ gọi. Tôi mời nàng nhưng đường như nàng chỉ cầm đũa cho có lệ, lúc dạ vũ cũng vậy, tôi gọi nước cho nàng nhưng khi ra về ly nước vẫn còn nguyên. Ăn xong, nàng bảo tôi đưa về cho mau vì sợ trời sáng mất. Khi ra tới quày tính tiền, nàng đưa mũi ngửi đóa hoa hồng đang cắm trong lọ. Tôi biết nàng thích hoa nên đã đặt năm đồng ngay chiếc lọ và rút nhánh hoa tặng nàng trước sự lặng lẽ đồng ý của cô gái thu tiền. Về gần đến trạm xe buýt, ngã tư Foster - St Louis chỗ tôi đón nàng tối qua, tôi cho xe ngừng và hỏi nhà đâu để đưa tận nơi thì nàng chỉ tay bảo:

“Cho em xuống chỗ ni được rồi, nhà em đằng nớ thôi.”

Nàng tự mở cửa xe bước ra, bên ngoài sương khá dày. Tôi cũng bước ra khỏi xe, đi vòng qua phía nàng để cám ơn. Nàng chìa tay cho tôi nắm nhưng bàn tay nàng lạnh khiến tôi tưởng như mình đang nắm lấy thỏi kim loại. Thấy chiếc áo mỏng, cổ rộng nàng đang mặc tôi e sợ nàng bị cảm lạnh nên tôi phải cởi chiếc áo lạnh của tôi khoác lên vai nàng. Chúng tôi chia tay, nàng bước đi khoan thai, dáng sang trọng. Tôi đợi một giây rồi chui vào xe phóng đi. Đi được một đoạn, tôi tự vỗ trán phải quay lại vì quên xin số điện thoại, nhưng khi trở lại chỗ cũ thì chung quanh không có nhà nào còn đèn.




Chiều hôm sau khi tan học, tôi phóng xe đến gần chỗ nhà nàng. Tôi hỏi thăm người Mỹ da trắng đang đứng tỉa mấy cành khô của khóm hoa trước sân để biết nhà nào là nhà Việt Nam. Người ấy trả lời chung quanh đây không có nhà nào Á Đông. Tôi đi xa hơn chút nữa, gặp người đàn bà đang chạy jogging tôi hỏi thì được biết cách đó nửa dặm có một nhà người Việt. Tôi cũng đi nhưng không nghĩ là đúng vì từ chỗ bỏ nàng xuống hồi khuya rất xa làm sao nàng dám đi về. Tôi hỏi thăm hai ba lần nữa mới tìm được. Đến nơi, tôi thấy một bà lão đang ngồi ngoài hiên cầm cái quạt giấy phe phẩy, tôi tiến vào chào rồi hỏi thăm cô gái có những đặc điểm như đã gặp. Bà ta nhìn tôi từ đầu tới chân rồi nói giọng Huế:

“Theo cậu tả thì đó là con gái tôi.”

Tôi như không tin lổ tai của mình. Cô ta phải là cháu chứ sao lại là con, bà cụ đã già làm gì có con nhỏ như vậy!

“Mệ nói răng? Con của mệ còn trẻ rứa à.”

“Trẻ gì, nếu còn sống nó cũng ba mươi mấy tuổi rồi.”

Tôi biết đã lầm nhà, nhưng vẫn níu kéo:

“Cháu có việc quan trọng, cần chị ấy giúp, nhưng cháu sợ đã lầm nhà, mệ có thể cho cháu xem tấm hình của chị ấy được không?”

Bà cụ khó chịu.

“Việc gì mà cậu khó khăn rứa! Nó làm gì mà giúp ai được.”

Nói thế nhưng bà cũng vào nhà lấy tấm hình trên vách đưa cho tôi xem. Một luồng điện chạy từ đầu xuống chân làm tôi lạnh xương sống. Quả hình cô ta đây, cũng mặc chiếc váy tím cổ rộng, cũng “đôi mắt nầy đêm qua lạc vào hồn tôi”, nhưng không hiểu sao bà cụ bảo chết. Tôi nghi bà cụ sợ tôi dụ dỗ cháu bà, hoặc bà đã đãng trí nên không biết mình nói gì.

Tôi nói để bà yên tâm:

“Chúng cháu là bạn học thường thôi mệ ạ, không có ý gì khác xin mệ chớ nói chơi.”

Bà cụ hơi giận vì câu nói ngây ngô của tôi, nhưng cũng trả lời:

“Bạn học cách mô được, tuổi con tôi có thể bằng mạ cậu, tôi có nói chơi mô, chị ấy bị xe đụng chết cách đây hơn mười năm rồi. Không tin cậu đi ra mộ với tôi.”

Đáng lẽ tới đây tôi có thể từ giã bà cụ được rồi, nhưng không hiểu sao tôi lại muốn cùng bà cụ đi ra nghĩa trang. Một phần tôi muốn tìm ra sự thật, một phần tôi chưa hoàn toàn tin lời bà cụ. Ngồi trên xe tôi nhìn sang, quả nhiên trên gương mặt bà cụ có vài nét giống người con gái đêm qua.

Đường trong nghĩa trang ngoằn ngoèo, bà cụ phải hướng dẫn tôi mới khỏi bị lạc. Xe chưa kịp đậu hẳn, bà cụ nhìn vào thốt:

“Ai đem chiếc áo bành tô phủ lên tấm bia con gái tôi rứa?” Nhìn theo hướng mắt bà cụ, tôi rùng mình bước ra khỏi xe đến mộ bia cầm chiếc áo vác lên vai, nhánh bông hồng tôi tặng nàng đêm qua nằm lạc loài dưới chân tấm bia đá có hàng chữ “Hoàng Thị Tường Vi 1957-1990”. Tôi rùng mình lần nữa, buổi chiều xuống chậm bao trùm lấy nghĩa trang buồn.

















Free Web Template Provided by A Free Web Template.com